Nguồn gốc di sản
Ông Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang- Chủ nhiệm đề tài “Then Tày Tuyên Quang” cho biết: Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, phong tục từ lâu đời của dân tộc Tày. Then xuất phát từ chữ “Thiên” - tức là Trời. Bởi vậy, điệu hát Then vẫn được người Tày tỉnh Tuyên Quang coi là điệu hát thần tiên.
Cũng theo ông Đức, nguồn gốc của hát Then tỉnh Tuyên Quang hiện chưa có sự thống nhất. Theo như cố nghệ nhân Hà Phan, xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa, Then xuất hiện từ thời nhà Mạc. Quân nhà Mạc thua trận, Vua suy nghĩ quá nhiều sinh ốm. Các quần thần biết Vua ốm do tư tưởng chứ không phải do bệnh tật nên cử đội nhạc hát cung đình tổ chức múa hát Then suốt 3 ngày 3 đêm, Vua thấy vui và khỏi bệnh. Từ đó ai ốm đều tìm những người biết hát múa Then đến biểu diễn… Còn theo cố nghệ nhân Ma Thanh Cao, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa, hát Then có từ thế kỷ thứ VIII…
Dẫu chưa có sự thông nhất về nguồn gốc, nhưng trong nhiều thế kỷ qua, hát Then là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Theo điều tra khảo sát của tỉnh Tuyên Quang, vùng hát Then hiện tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hoá, Nà Hang, Lâm Bình và một số xã của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Trong đó, số người biết hát Then theo nghi lễ phong tục cổ truyền toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 21 người; số người biết hát Then theo lời mới, từ phong trào văn nghệ quần chúng có 72 người (50 nam, 22 nữ)… Then ra đời trong lao động sản xuất, từ nhu cầu đời sống tinh thần và tín ngưỡng phản ánh trí tuệ, nhận thức, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, phong tục tập quán, là tiếng nói của nhân dân lao động, chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng, tình yêu lứa đôi, tình yên thiên nhiên, tình yêu lao động, đề cao giá trị đạo đức lối sống…
Hình thức thể hiện
Nghi lễ hát Then là “đặc sản” của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang. Then là những khúc hát, điệu múa thuộc thể loại dân ca nghi lễ, được sử dụng trong các lễ cúng, cầu mùa, lễ cốm, lễ cấp sắc... do các thầy Then thực hiện. Vùng hát Then tỉnh Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình... Trên địa bàn tỉnh tồn tại 2 dòng Then là nghi lễ Then cổ và dòng Then mới. Về nội dung Then được chia làm 2 nhóm Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và Then lễ hội.
Giá trị
Giá trị tiêu biểu
Hát then là di sản văn hoá của vùng Việt Bắc, Tây Bắc. Vùng lõi của hát then là các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Hát then là văn hoá "gốc" của dân tộc Tày nhưng thực tế người Nùng, người Thái cũng hát then và hát then đã có mặt ở 14 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Hiện trạng
Hiện trạng di sản
Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, vùng hát Then của Tuyên Quang tập trung chủ yếu ở Chiêm Hoá, Nà Hang và Lâm Bình và một số xã của các huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Ở Chiêm Hoá, Nà Hang, Lâm Bình không gian diễn xướng hát then còn tương đối rõ nét, có sự vào cuộc và vai trò to lớn của các nghệ nhân.
Trải qua thời gian tồn tại và phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang tồn tại 2 dòng then. Dòng then thứ nhất là nghi lễ then cổ, được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị thất truyền. Dòng then thứ 2 là dòng then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ.
Hát then của Tuyên Quang có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ "ới la". Từ ới la ở đây có nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu trúc âm nhạc của then Tuyên Quang là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng đầm ấm của con người xứ Tuyên.
Then Tuyên Quang có một số làn điệu cổ như then cấp sắc công nhận một người đủ điều kiện làm thầy cúng, lo việc tâm linh của bản làng; then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và then lễ hội. Bản chất của các loại hình diễn xướng then này là tín ngưỡng.
Biện pháp
Biện pháp bảo vệ
Hát then vốn được coi là “báu vật” trong kho tàng văn hóa
truyền thống của các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: NH)Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, những giá trị văn hóa của hát then truyền thống ở Tuyên Quang đã được quan tâm bảo tồn, gìn giữ. Then ở tỉnh Tuyên Quang được hình thành cùng với đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Tày với hai hình thức thể hiện là then quạt và then tính. Then quạt là then mà người hát chỉ dùng quạt để kết hợp với các điệu múa then, không có nhạc đệm. Then tính là then có nhạc đệm (đàn tính), được phát triển trên cơ sở then quạt. Đối với đồng bào Tày, trước đây chỉ có những nghệ nhân “làm” then (ông Then, bà Then, các thầy Pụt, thầy Tào…) là những người nắm giữ các làn điệu then. Then cổ chỉ được diễn xướng trong môi trường tâm linh. Do vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị hát then truyền thống luôn gắn liền với vai trò quan trọng của các nghệ nhân. Theo đó, tỉnh Tuyên Quang, trực tiếp là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên nắm chắc số lượng các nghệ nhân; tuyên truyền, động viên và hướng dẫn các nghệ nhân tích cực sưu tầm các làn điệu then cổ, những cuốn sách then cổ, phối hợp với các cơ quan chuyên môn biên dịch, sao chép để bảo tồn và lưu giữ giá trị của hát then. Theo thống kê, hiện nay Tuyên Quang có gần 60 nghệ nhân then, hơn 100 thầy Tào, thầy Pụt… Bên cạnh những bài then được đặt lời mới theo điệu cổ, các nghệ nhân cũng chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn những bài then cổ vì theo nhiều người, chính những bài then cổ là kết tinh các giá trị tinh túy nhất của hát then. Đến nay, nhiều cuốn sách then cổ do các nghệ nhân sưu tầm, sao chép đã trở thành tài liệu tập huấn trong các lớp học then ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Nghệ sĩ Ưu tú Tiêu Sơn Học ở thôn Đồng Giàn, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) chia sẻ, những người am hiểu về then, yêu then đều luôn cố gắng để hát then không bị mai một; điều quan trọng nhất trong bảo tồn hát then đó là truyền lại sự yêu thích, niềm đam mê và những giá trị văn hóa của hát then cho các thế hệ sau.
Nghệ nhân Ưu tú Tiêu Sơn Học (ngoài cùng bên phải) nhiệt tình truyền dạy cho các học trò.
(Nguồn: baotuyenquang.com.vn)Song song với đó, tỉnh Tuyên Quang còn thực hiện tốt việc thành lập các câu lạc bộ hát then, đàn tính để các nghệ nhân có điều kiện truyền dạy các làn điệu then, cọi, cách chơi đàn tính cho thế hệ trẻ. Từ nhiều năm nay, Trung tâm văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang đã thực sự là hạt nhân trong phối hợp, hướng dẫn các các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh thành lập câu lạc bộ hát then, đàn tính. Là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về hoạt động của các câu lạc bộ, đến đầu năm 2019, toàn huyện Chiêm Hóa có 40 câu lạc bộ hát then, đàn tính với trên 1.200 người biết hát then, một nửa trong số đó biết chơi đàn tính. Các câu lạc bộ này được thành lập trên cơ sở tập hợp những người yêu hát then, đàn tính tại các thôn bản, trường học, cơ quan, đơn vị… Các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính đã thường xuyên tổ chức truyền dạy các làn điệu then và phát triển phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, tăng cường đoàn kết cộng đồng tại địa phương… Đến nay, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, trên địa bàn toàn tỉnh Tuyên Quang đã duy trì hoạt động thường xuyên của gần 100 câu lạc bộ hát then, đàn tính. Đa số các câu lạc bộ đều hoạt động có hiệu quả với nội dung chủ yếu là hướng dẫn người dân, nhất là các bạn trẻ hát then và thực hành các làn điệu hát then. Trong đó, nổi bật là các hoạt động của một số câu lạc bộ ở các huyện: Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Yên Sơn… Then đã trở thành sợi dây kết nối mọi người trong bản làng, trong xã và anh em các dân tộc khác trong tỉnh gắn bó với nhau; cùng đoàn kết tránh xa các thói hư, tệ xấu. Tại nhiều thôn bản ở Tuyên Quang, dường như ai cũng biết hát then, chơi đàn tính…
Tìm hiểu được biết, năm 2012, nghi lễ then của người Tày tỉnh Tuyên Quang đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tháng 3/2017, hồ sơ “Thực hành then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” đã được trình UNESCO xem xét đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, thực tế cho thấy, các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị hát then truyền thống đã đáp ứng đúng mong mỏi, nguyện vọng của người dân địa phương. Thời gian qua, Sở đã tổ chức các buổi liên hoan giao lưu văn nghệ trong đó có nội dung hát then, đàn tính; xây dựng Đề án “Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát then” tại một số địa phương; đồng thời, xây dựng cơ chế hỗ trợ trang phục, dụng cụ biểu diễn… cho các câu lạc bộ; đưa hát then vào nội dung hoạt động ngoại khóa trong các trường học… Nhờ vậy, đã phát huy tốt giá trị hát then truyền thống trong các cộng đồng dân cư. Em Hà Mai Anh ở thôn Nà Thôm, thành viên câu lạc bộ hát then, đàn tính xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang) chia sẻ: “Em tham gia câu lạc bộ cách đây 3 năm khi còn là học sinh lớp 6; nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ không chỉ giúp em thêm hiểu và yêu thích những làn điệu then mà còn tiếp thêm cho em tình yêu quê hương đất nước, yêu lao động và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị hát then truyền thống, thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy vai trò của các nghệ nhân trong lưu giữ, ghi chép những khúc hát, cung then; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các lạc bộ hát then, đàn tính nhằm truyền dạy lại cho thế hệ trẻ, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên người tày về nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng then. Đồng thời, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hát then, đàn tính; tiếp tục lập hồ sơ tôn vinh các Nghệ nhân Ưu tú, có chính sách hỗ trợ đối với Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Dân gian, các thầy Pụt, thầy Tào… Qua đó, từng bước bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát then truyền thống; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Thông tin khác
Những thông tin khác về di sản
Điệu hát mượt mà, đằm thắm
Theo nghệ nhân Hà Thuấn, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa - người dân tộc Tày đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng nghệ nhân văn hóa dân gian, cho biết: Then Tuyên Quang có đặc trưng là giai điệu mượt mà, đằm thắm và mở đầu câu hát bao giờ cũng có từ "ới la". Từ “ới la” có nghĩa là khát vọng giao đãi của con người với trời đất, thiên nhiên, vạn vật. Cấu trúc âm nhạc của Then Tuyên Quang là các quãng âm nhạc gần nhau hơn tạo âm hưởng đầm ấm của con người xứ Tuyên. Then Tuyên Quang có một số làn điệu cổ như Then cấp sắc công nhận một người đủ điều kiện làm thầy cúng, lo việc tâm linh của bản làng; Then kỳ yên (cầu điều lành và điều tốt) và Then lễ hội.
Theo giải thích của ông Thuấn, Then kỳ yên có nội dung chủ yếu, cầu chúc, chữa bệnh. Lễ cầu yên được tổ chức vào dịp cuối năm hoặc đầu năm tùy thuộc vào từng nơi để thiết đãi tổ tiên, cầu mong tổ tiên phù hộ: Hộ cho tín chủ bình yên/ Sống lâu trường thọ xiên niên tuổi già/…Từ nay phúc lộc hữu dư/Vinh hoa phú quý xuân, thu, đông, hè. (bài “Phủ đẳm tiên”).
Còn Then lễ hội thiên về giải quyết tinh thần cho vui vẻ, xua tan phiền muộn, cực nhọc vất vả trong cuộc sống để thỏa mãn ước vọng con người và muôn vật sinh linh. Nhóm khúc hát này thường gặp là Then lễ vào nhà mới, cấp sắc, cầu mùa, lễ cốm… với mong muốn cầu mong mùa màng tốt tươi, mong thần Nông mưa thuật gió hòa.
Một điều đáng chú ý nữa, theo các nghệ nhân, Then là tổng hợp các bộ môn văn học, nghệ thuật dân gian. Trong then có các thể loại truyện (thần thoại, cố tích, truyền thuyết, ngụ ngôn). Nhiều tích truyện có nội dung giải thích nguồn gốc một sộ sự vật, hiện tượng về vũ trụ, thiên nhiên… cách giải thích đơn giản, mộc mạc, nhưng khá ly kỳ, phản ánh thế giới quan của người Tày xưa.
Theo thầy Then Hà Ngọc Vịnh, huyện Chiêm Hóa, ngày xưa, hát Then chỉ dùng để cúng bái, giao tiếp với thần linh trong các cuộc lễ như: lễ khẩu mẩu (lễ cốm), lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, cầu mưa... người ta có thể hát cả giờ đồng hồ, đôi khi là thâu đêm. Còn bây giờ ngoài những làn điệu Then cổ còn giữ lại thì các bài Then mới chủ yếu là bài hát ca ngợi quê hương, tình yêu đôi lứa, tình yêu lao động.
Ông Nguyễn Vũ Phan, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hát Then là món ăn tinh thần, nó đã được ngấm vào máu và hồn của người Tày. Việc Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đồng ý về chủ trương với đề nghị của tỉnh Tuyên Quang về việc lập hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu hát Then của dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang và một số tỉnh khu vực Việt Bắc để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đ ây thực sự là cơ hội lớn để hát Then của dân tộc Tày nói chung và ở Tuyên Quang nói riêng được cả thế giới biết đến, là cú huých cho phát triển du lịch. Cũng theo ông Phan, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang sẽ làm việc với ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang để giới thiệu bộ môn hát Then vào các trường học, bảo đảm thế hệ trẻ là người dân tộc Tày, Nùng, Thái được tiếp thu làn điệu Then, góp phần tích cực đưa hát Then sống trong lòng quần chúng nhân dân. Đồng thời, tổ chức sưu tầm, tập hợp tư liệu, sách cổ về hát Then đang lưu giữ trong nhân dân để dịch ra tiếng phổ thông làm tài liệu tuyên truyền…/.
Tập tài liệu liên quan