Tuyên Quang là tỉnh miền núi có diện tích chè trên 8.000 ha, sản lượng chè búp tươi trên 47.000 tấn.
Ông Phạm Hữu Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, huyện hiện có 1.575 ha chè, trong đó đã quy hoạch vùng chè hàng hóa với diện tích 958 ha ở 11 xã và có 145 ha chè ở 21 xã ngoài vùng quy hoạch. Sản lượng chè búp tươi hàng năm đạt khoảng 12.000 tấn. Ngoài việc duy trì và phát triển thương hiệu làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào, huyện tạo điều kiện hỗ trợ 5 làng nghề vừa được công nhận là: Làng nghề chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành; làng nghề chè thôn Liên Phương, xã Phúc Ứng; làng nghề chè thôn Đồng Hoan, xã Tú Thịnh; làng nghề chè thôn Yên Thượng, xã Trung Yên; làng nghề chè thôn Cảy, xã Minh Thanh sớm hoàn thành các thủ tục về logo nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Từ khi thành lập làng nghề, người dân được tham gia các lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè sạch, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào các khâu sản xuất, năng suất chè búp thu hoạch được cải thiện đáng kể, từ 8 - 10 tấn/ha lên 11 - 13 tấn/ha. Giá trị sản phẩm được nâng lên, chè khô có mức bán từ 80.000 - 100.000 đồng/kg lên 120.000 - 150.000 đồng/kg. Hiện nay, thôn đang kiện toàn Ban quản lý làng nghề, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý, đăng ký nhãn mác bao bì sản phẩm để sớm đưa sản phẩm của làng nghề tham gia các hội chợ thương mại.
Xây dựng các làng nghề chè đã giúp người làm nghề chè tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.