Khám phá

Làng nghề thủ công mỹ nghệ

60

Các làng nghề thủ công của tỉnh Tuyên Quang đang có những bước phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm đến của khách du lịch, nhờ mỗi làng nghề đều gắn liền với một địa danh du lịch, tạo ra một sản phẩm du lịch hấp dẫn không thể tách rời.

Điển hình như làng nghề mây, giang đan của phụ nữ xã Trung Hà (Chiêm Hóa) gắn với điểm du lịch thác Bản Ba. Sau khi ngắm cảnh thác nước, khách du lịch thường lui tới những gian nhà sàn thoáng rộng vừa để tìm mua sản phẩm lưu niệm, vừa tìm hiểu cách thức đan lát thủ công của đồng bào người Tày nơi đây. Nhiều bà mế tuổi ngoài bẩy mươi cũng ngồi làm, và họ là những chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật cho khách tham quan. Từ những sợi giang, sợi mây, các bà, các chị kết thành chiếc đĩa đựng trái cây, chiếc giỏ hoa, làn mây... rồi đưa về các tỉnh dưới xuôi xuất khẩu, bán lẻ cho khách du lịch. Công việc này tạo thêm thu nhập cho phụ nữ trong xã khoảng 30.000 đồng/ngày. Hiện Trung Hà đã có 17 thôn trồng được 80 ha mây làm vùng nguyên liệu cho làng nghề này. Giá trị kinh tế của các sản phẩm mây giang đan tuy chưa lớn, nhưng người nông dân miền núi có việc làm tăng thêm thu nhập, đồng thời tạo nên nét phong phú, hấp dẫn cho du lịch thác Bản Ba.

Ở thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương), từ cuối năm 2007 cũng thành lập tổ đan lát và dệt thổ cẩm gồm 50 hội viên phụ nữ người dân tộc Tày. Hướng tới Tuần văn hóa - du lịch "Về nguồn" diễn ra trên quê hương vào thời gian tới, nên từ đầu tháng 4 chị em phụ nữ của tổ đan lát và dệt thổ cẩm Tân Lập tranh thủ lúc nông nhàn, làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ để phục vụ khách tham quan. Những người đan lát và dệt thổ cẩm ở đây cho biết, khó khăn lớn nhất để duy trì và phát triển làng nghề không phải là nguyên liệu mà là vốn đầu tư và đầu ra cho sản phẩm. Song khi căn cứ cách mạng Tân Trào được sửa sang trở thành trung tâm du lịch của tỉnh, chắc chắn các sản phẩm đan lát và dệt thổ cẩm của đồng bào nơi đây sẽ bán chạy.